Các lãnh đạo châu Âu đang đối mặt với câu hỏi mà họ luôn muốn tránh,ơMỹgiảmviệntrợUkrainekhiếnchâuÂulolắvx88 đó là họ có thể lấp đầy khoảng trống nếu Mỹ rút viện trợ cho Ukraine hay không. Vấn đề trở nên đáng lo hơn cuối tuần, sau khi quốc hội Mỹ thông qua gói ngân sách tạm thời ngăn chính phủ đóng cửa, nhưng không có khoản viện trợ nào cho Ukraine.
Động thái này của Mỹ đã gây chấn động ở châu Âu. Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 1/10 tuyên bố Ukraine sẽ chiến đấu tới khi giành chiến thắng và không có "ngày hết hạn" trong nỗ lực chống Nga.
Để thể hiện tình đoàn kết, các ngoại trưởng châu Âu ngày 2/10 tổ chức họp với Tổng thống và Ngoại trưởng Ukraine tại Kiev, cuộc họp hiếm hoi ngoài khối đối với quan chức châu Âu.
Dù Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói Kiev "không cảm thấy sự hỗ trợ của Mỹ đã sụp đổ", Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 4/10 thừa nhận ông cảm thấy lo lắng về nguy cơ nguồn viện trợ cho Ukraine bị ảnh hưởng bởi những biến động gần đây tại Hạ viện, đặc biệt là sự phản đối của phe cực hữu trong đảng Cộng hòa.
Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), cho rằng gói ngân sách mới của Mỹ không có điều khoản viện trợ cho Ukraine là điều thực sự đáng tiếc, khẳng định khối sẽ tiếp tục ủng hộ Kiev chống lại "mối đe dọa hiện hữu từ cuộc chiến của Nga".
Nhưng châu Âu sẽ đối mặt rất nhiều thách thức nếu muốn tăng hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine để bù đắp khoảng trống trong trường hợp các khoản viện trợ của Mỹ suy giảm nghiêm trọng.
"Sự đồng thuận của châu Âu về Ukraine đến nay vẫn vững chắc. Nhưng nếu nỗ lực viện trợ cho Kiev trở nên quá đơn độc và tốn kém, nó có thể trở thành vấn đề", Vessela Tcherneva, người đứng đầu văn phòng Hội đồng Đối ngoại châu Âu ở Bulgaria, nói.
Cử tri Slovakia, nước thành viên NATO, đã bắt đầu gửi tín hiệu về điều này, khi bỏ phiếu cho Robert Fico, chính trị gia ủng hộ Moskva và phản đối gửi vũ khí cho Kiev, lên làm Thủ tướng. Sự trỗi dậy của Fico có thể biến Slovakia thành quốc gia châu Âu đầu tiên chấm dứt chính sách ủng hộ Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch, theo giới quan sát.
Quan hệ giữa Ukraine và Ba Lan, một trong những đồng minh nhiệt thành nhất đầu xung đột, ngày càng căng thẳng trước cuộc bầu cử ở Ba Lan giữa tháng này, liên quan tới lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc giá rẻ từ Kiev. Tuyên bố của Thủ tướng Mateusz Morawiecki trong sự kiện chính trị ngày 21/9 rằng Ba Lan sẽ ngừng viện trợ vũ khí cho Ukraine đã gióng hồi chuông báo động đến các đồng minh phương Tây và cả Kiev.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban tiếp tục chế giễu viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine, kêu gọi đàm phán hòa bình và chấm dứt các lệnh trừng phạt.
Sự phản đối của các thành viên cũng có thể cản trở nỗ lực viện trợ Ukraine của Liên minh châu Âu, nơi mọi quyết định đều được đưa ra dựa trên sự đồng thuận. "Điều rất quan trọng với chúng tôi là đảm bảo nhận được ủng hộ từ dư luận và công dân châu Âu", Charles Michel, lãnh đạo hàng đầu của EU, nói tuần trước.
Một số quan chức châu Âu thừa nhận khu vực phải đối mặt nhiều thử thách chính trị để duy trì sự ủng hộ này trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, lạm phát cao và ngân sách hạn chế.
Ngay cả khi sự ủng hộ trong dư luận được duy trì, châu Âu cũng đối mặt cản trở lớn từ thực tế ngành công nghiệp quốc phòng của họ không đủ lớn mạnh. Sản xuất vũ khí đã giảm đáng kể sau Chiến tranh Lạnh do nhiều năm các nước châu Âu cắt giảm ngân sách. Các loại vũ khí lớn như xe tăng, máy bay hay tàu ngầm cũng mất rất nhiều thời gian để chế tạo. Điều đó thúc đẩy một số quân đội châu Âu tìm kiếm nguồn cung vũ khí từ những nước khác.
John Dowdy, cựu lãnh đạo nhóm quốc phòng và hàng không vũ trụ tại công ty tư vấn McKinsey, nói châu Âu có kho dự trữ tiêm kích F-16 và xe tăng Leopard có thể chuyển cho Ukraine, song kho đạn dược mà Kiev cần đã cạn kiệt trong những thập kỷ gần đây.
EU đã cam kết cung cấp cho Ukraine một triệu quả đạn pháo vào mùa xuân tới. Song khi nửa chặng đường trong kế hoạch 12 tháng qua đi, khối chỉ mới chuyển được 1/4 số đó. Các chính phủ đã ký hợp đồng sản xuất nhiều đạn pháo hơn, nhưng họ cần thêm thời gian trước khi bàn giao cho Ukraine.
Tập đoàn vũ khí Rheinmetall nói họ có thể sản xuất 600.000 quả đạn pháo mỗi năm, tăng từ 150.000 vào năm ngoái, nhờ mở rộng dây chuyền sản xuất và mua lại một công ty Tây Ban Nha.
BAE Systems, công ty quốc phòng lớn nhất châu Âu, cho hay việc mở rộng các nhà máy cộng với kỹ thuật sản xuất mới sẽ giúp sản lượng đạn pháo tăng gấp 8 lần so với trước xung đột. Tuy nhiên, họ cần đợi thêm hai năm nữa trước khi có thể bàn giao lượng hàng này.
Nhiều quan chức nói rằng ngành quốc phòng châu Âu hiện chỉ có thể sản xuất khoảng 5-10% lượng đạn pháo mà Ukraine cần. Dowdy nói nếu chính phủ các nước châu Âu không ký những hợp đồng mua đạn dài hạn, khu vực sẽ khó có thể đáp ứng được nhu cầu vũ khí của Ukraine.
"Dù các tập đoàn quốc phòng tăng sản xuất trong 2-3 năm nữa, điều đó vẫn không đủ để cung cấp đạn dược đáp ứng tốc độ mà Ukraine đang tiêu thụ", ông nói.
Kể từ khi xung đột bắt đầu, EU và các nước thành viên đã cam kết viện trợ nhân đạo, ngân sách và quân sự lên tới 80,3 tỷ USD cho Ukraine.
Trong khi đó, các khoản hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine là khoảng 74 tỷ USD, theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel ở Đức. Con số này bao gồm 44 tỷ USD hỗ trợ quân sự, cao gấp 5 lần tổng cam kết của hai nước viện trợ cao thứ hai và thứ ba là Anh và Đức.
Anh hồi tháng 6 nói rằng nước này đã cung cấp khoảng 5,7 tỷ USD hỗ trợ phi quân sự cho Ukraine và sẽ chi 6 tỷ USD viện trợ quân sự cho đến cuối năm nay. Na Uy, thành viên của NATO, hồi tháng 2 cam kết hỗ trợ 7 tỷ USD cho Ukraine trong 5 năm.
EU dự kiến sớm phê duyệt khoảng 53 tỷ USD cho chính phủ Ukraine trang trải các nghĩa vụ ngân sách trong 4 năm tới. Đức, nước viện trợ quân sự cho Ukraine lớn thứ hai sau Mỹ, đã dành khoảng 11 tỷ USD cho Kiev trong những năm tới.
Tuy nhiên, với tăng trưởng kinh tế của EU chỉ ở mức 0,8% trong năm nay và cường quốc khu vực Đức dự kiến suy thoái kinh tế, các chính phủ châu Âu sẽ khó có thể cung cấp đủ hỗ trợ cho Ukraine để bù đắp khoảng trống nếu thiếu Mỹ.
Borrell sau cuộc họp ngày 2/10 nói ông hy vọng có thể đạt được thỏa thuận viện trợ 5,2 tỷ USD cho Ukraine vào năm tới. Đề xuất ban đầu của ông là EU sẽ phê duyệt gói viện trợ quân sự 4 năm trị giá 21 tỷ USD, song ý tưởng không được ủng hộ.
Sự hỗ trợ của Mỹ với Ukraine đã thúc đẩy châu Âu tăng viện trợ Ukraine, khi họ lo ngại Washington có thể chấm dứt các cam kết với NATO. Các nước châu Âu, đặc biệt là Đức, thường chỉ đồng ý gửi thêm vũ khí hiện đại cho Ukraine nếu Washington cam kết làm điều tương tự.
"Washington đã cung cấp nền tảng ngoại giao và chính trị quan trọng cho nỗ lực bảo vệ Ukraine. Bất kỳ động thái rút viện trợ nào của Mỹ sẽ dẫn tới những tác động nghiêm trọng", Laurence Norman, nhà phân tích của WSJ, nhận định.
Thanh Tâm(Theo WSJ)